Năm 2009, cánh cổng Đại học mở ra là lúc tôi đầu bù tóc rối với bài vở và thi cử. Còn nhớ, mỗi lần đến kỳ thi, là bạn bè đổ xô chạy lên tầng 9 của Ký Túc Xá Kinh Tế để học bài, thức tới 2 – 3 giờ sáng ôn thi. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, một đứa mê Nghệ thuật lại đi học Kinh tế. Chắc tôi cũng chỉ là một trong số những nạn nhân của trào lưu chọn trường thời đó.
Tôi là một đứa không giỏi học thuộc, cũng không ghi nhớ được lâu, chỉ thích những thứ liên quan đến nghệ thuật và những phát minh lý thú. Mỗi học kỳ trôi qua là khoảng thời gian áp lực khi xung quanh mình toàn là những con số, công thức, nguyên lý và sự ganh đua thành tích của chúng bạn.
Và rồi, số phận thay đổi khi tôi biết đến Sơ đồ tư duy – một cách tổng hợp kiến thức bằng hình vẽ, đầy màu sắc, vui tươi nhưng lại logic.
Hồi đó tôi nhớ chỉ còn 3 ngày nữa là chúng tôi sẽ thi môn Quản trị chiến lược với 9 chương sách hơn trăm trang. Lấy hết sức bình tĩnh, tôi quyết định ngồi lỳ ở phòng Ký túc xá, bên chiếc bóng đèn học đỏ kệch. Trong lúc chúng bạn đổ xô lên cái tầng 9 huyền thoại ấy, tôi đặt lên bàn cuốn giáo trình Quản trị chiến lược photo với đúng 9 tờ giấy A4, một cây bút đen, một cây bút đỏ và một bút highlight màu xanh chuối.
Tôi bắt đầu vẽ…
Mỗi trang A4 tôi vẽ hết nội dung của một chương. Tôi dành 2 ngày để hoàn thiện 9 trang A4, và ngày cuối cùng để học bài.
Mà lạ lắm, học bằng hình vẽ cứ như là liều thuốc cứu rỗi tôi. Cứ học theo cách đó suốt 4 năm Đại học, tôi chưa hề rớt một môn nào. “Mém” rớt thì nhiều! Đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình may mắn thế, tôi chưa từng biết cảm giác thi rớt nó như thế nào.
Một ngày nọ, tôi phát hiện ra rằng: Sơ đồ tư duy cũng có một vài hạn chế, khi nội dung quá nhiều thì sơ đồ của mình lại trở nên lằng nhằng và rối mắt.
Và rồi cũng theo một cách rất bản năng, tôi bắt đầu sáng tạo.
Tôi chuyển sang ghi chép bằng hình vẽ kết hợp với chữ viết. Tôi tự gọi tên cách này là “vẽ bậy có chủ đích”, rồi cứ tự mình tủm tỉm với mình, sau khi hoàn thành một “tác phẩm” nào đó. Mãi sau này, tôi đã tìm ra cái tên mà ở nước ngoài người ta đặt cho nó là “Sketchnote”.
Từ 2011 đến 2013, tôi làm Trợ giảng cho một Trung tâm Tiếng Anh. Oái oăm thay, tôi được phân công đứng lớp cho các bé Cheeky Monkey – tức là các con chưa bạn nào đủ 4 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với việc, các con chưa biết đọc và chưa biết viết. Trước một bài toàn khó, tôi và giáo viên bèn nghĩ ra cách sẽ dạy các con thông qua vẽ. Và thế là một lần nữa, sở trường vẽ bậy có chủ đích của tôi lại được phát huy tác dụng.
Cũng nhờ vậy, mà bản thân tôi khám phá ra sức mạnh đáng kinh ngạc mà hình ảnh có thể mang lại. Tôi bắt đầu dùng hình ảnh nhiều hơn. Tôi vẽ khi đi học các lớp kỹ năng thay cho ghi chép thông thường. Tôi dùng để làm thiệp tặng bạn bè, tặng học sinh, tặng Sếp.
Sau này khi trở thành một Giảng viên, tôi dùng hình vẽ để thiết kế bài giảng và là công cụ Giảng dạy chủ yếu trong lớp, thay thế cho power point. Bằng cách này, học viên của tôi tiếp thu bài học rất nhanh và tỏ ra vô cùng thích thú.
Giữa năm 2017, với kinh nghiệm của một Giảng viên, tôi bắt đầu Nghiên cứu sâu hơn để thiết kế ra các khoá học về Sketchnote. Ban đầu là khoá học Sketchnote dành cho Giảng Viên, sau đó là các khoá học cho trẻ em, có cả các khoá học dành cho doanh nghiệp bảo hiểm, v.v… Đầu năm 2018, tôi tự đặt cho mình sứ mệnh sẽ mang phương pháp này lan toả rộng rãi tại Việt Nam và mang trí tuệ của người Việt mình phụng sự cho Thế giới.
Tôi nghỉ việc – công việc với mức lương mà nhiều người mong ước – để trở thành một Graphic Facilitator – Điều phối viên hình ảnh. Ngày tôi nộp đơn nghỉ việc, tôi chỉ dám nói với một mình Mẹ: “Mẹ ơi, nếu đến cuối đời, con nhìn lại những ngày tháng tuổi trẻ, thì điều mà con chắc chắn sẽ vô cùng nuối tiếc, đó là con đã không dám dấn thân cho đam mê của mình. Con sẽ nghỉ việc để thực hiện ước mơ Mẹ ạ…”
Và từ đó, tôi đi khắp nơi để giảng dạy Sketchnote miễn phí…
Tôi trân quý tất cả những tình cảm ưu ái mọi người dành cho mình sau từng khoá học, từng buổi chia sẻ. Càng đi dạy, tôi càng học được nhiều điều và càng có quyết tâm theo đuổi niềm đam mê vẫn âm ỉ cháy nhiều năm qua. Con đường còn dài và chắc chắn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng vì các thế hệ tương lai của Việt Nam. Vì ước mơ mang sự sáng tạo đến với từng lớp học yêu thương. Tôi vẫn sẽ đi tiếp và lan toả tiếp … !
-Chung Le Visual
Đọc thêm về Chung Le Visual: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/co-gai-day-sketchnote-du-chua-tung-hoc-ve-post49712.html
https://thanhnien.vn/gioi-tre/nguoi-tre-me-man-sketchnote-1005539.html?fbclid=IwAR2WsvbsbbZH6QSvtDlaNjZZ86tKJ4BPWXiunRRZM0ZjE_XX4J0mplv5iXY