Cần gì để trở thành một người sketchnote giỏi?

Nhiều năm mày mò sketchnote mà không có bất kỳ sự hướng dẫn nào, tôi rút ra được một bài học vô cùng sâu sắc. Chính sự thực hành một cách kiên trì là chìa khóa thành công, không chỉ với bộ môn sketchnote, mà kể cả việc thành thạo Tiếng Anh giao tiếp hay kỹ năng điều phối của tôi cũng vậy, chỉ bằng thực hành với sự kiên trì.

Tôi và các Điều phối viên của mình (Facilitators) hay nhắc Học Viên: học Sketchnote cần Pen – Paper – Practice và Persistence (sự kiên trì). Sau này, khi khởi nghiệp với Học Viện Sketchnote Việt Nam (mọi người có lẽ sẽ cảm thấy thân thuộc hơn với cái tên “Học Viện Vẽ Tuốt”), tôi cũng ứng dụng bài học đó, một bài học cũ nhưng không bao giờ lỗi thời.

Thấy cái gì hiệu quả, tôi sẽ không chần chừ mà luôn tìm cách áp dụng ngay vào công việc điều phối của mình. Mỗi ngày cố gắng hoàn thiện bài học thêm một chút, làm sao cho thật cô đọng, thật tinh gọn, tới mức, những Học Viên nhỏ tuổi nhất cũng tiếp thu hiệu quả.

Thành thạo sketchnote, cảm nhận sketchnote giống như một phần máu thịt trong mình, tôi bắt đầu muốn giúp đỡ những người khác, đang ở giai đoạn của tôi cách đây 11 năm. Tôi rất rõ cảm giác tự ti do vẽ xấu, chữ cũng xấu, lo lắng, sợ những lời nhận xét của người khác, thực hành nhưng giấu nhẹm, không dám khoe ai. Cũng từ việc muốn sẻ chia kinh nghiệm, tôi bắt đầu suy nghĩ cách.

Học Sketchnote sao cho đúng?

Ban đầu đến với Sketchnote, tôi tin là có nhiều người có trải nghiệm giống với mình. Chúng ta thường không có gì nhiều hơn ngoài sự “tò mò”. Và thế là chúng ta tìm khóa học, chúng ta tìm kiếm tài liệu, mua sách đọc.

Một bộ phận sau khi học xong một khóa, mà tôi tin là nhiều người không đủ kiên trì để theo đến hết khóa, sẽ dừng lại, vì sự tò mò của họ đã được thỏa mãn. Với trường hợp này, tôi không trách người học, mà tôi chủ quan cho rằng, khóa học và người điều phối chưa truyền được cảm hứng đủ, chưa giúp Học Viên đủ.

Một bộ phận khác, ngược lại, sau khóa học họ bắt đầu có niềm yêu thích cực kỳ lớn, họ sung sướng nhận ra một khả năng mới của mình mà có khi là một khả năng vốn có nhưng bị lãng quên. Họ say sưa thực hành và tìm kiếm thêm những lớp học nâng cao hơn. Nhưng khoan đã, chính việc quá nôn nóng và vội vàng muốn thành công đã đẩy họ đến với việc sớm nản, mất dần động lực, thậm chí tuột dốc không phanh.

Sau một khoảng thời gian ngắn, họ hầu như không còn để tâm đến sketchnote. Điều này thực sự đáng tiếc, nhất là với một người như tôi, đã theo đuổi sketchnote đủ lâu và tự mình trải nghiệm cũng như quan sát thấy những kết quả tuyệt vời mà sketchnote đang mang đến cho nhiều người khác.

Vậy đâu mới là cách làm đúng?

Hãy chậm lại một chút

Bạn ơi, kỹ năng này xứng đáng để chúng ta thực hành nó cả đời, vậy thì tại sao chúng ta không kỹ lưỡng một chút, chậm lại một chút. Chúng ta không cần phải đặt mục tiêu 5 bức sketchnote ngay trong ngày đầu tiên, với tôi, con số đó là không tưởng. Thay vì vậy, ngày đầu tiên sau khi học sketchnote, hãy dành một ngày chỉ để đi đến một tiệm họa cụ đáng yêu. Ở nơi đó chắc chắn bạn sẽ đắm chìm trong các lọai bút vẽ, các loại sổ tay, sticker, màu, túi đựng bút. Hãy chọn cho mình một vài cây bút mà bạn mê nhất. Đừng quên mua một cuốn sổ tay sketchnote, bé thôi, nhưng nó dễ thương và làm bạn vui. Chọn thêm vài ba cây màu không thấm cho yên tâm. Và thế là ngày đầu tiên của bạn đã quá tuyệt diệu cho một hành trình thực hành rất dài phía trước.

Đơn giản hóa với công thức ngắn

Thường, với bản thân tôi, muốn nhớ một thứ gì đó, ngoài nhờ hình ảnh minh họa, thì câu chữ được trình bày cũng cần được truyền tải một cách súc tích, dễ hiểu, mà tốt nhất, nó nên là một công thức ngắn (ba bước, năm bước, trong đó mỗi bước được viết tắt bởi một chữ cái duy nhất). Mà tốt hơn nữa, thì những chữ cái đầu tiên của tất cả các bước có thể ghép lại với nhau thành 1 từ duy nhất có nghĩa.

Ví dụ như K-I-S-S có nghĩa là Keep It Short & Simple. Hay tất cả các bước đều bắt đầu bằng 1 chữ cái giống nhau. Ví dụ như mô hình 4S mà tôi tự nghĩ ra cho Học Viên, nói về các nguyên tắc thực hành sketchnote, có nghĩa là Simple – Special – Single line – Sense of self. Đấy! Như vậy thì rất dễ thuộc.

Chiều nay, khi đọc cuốn sách “Một đời như kẻ tìm đường” của Thầy Phan Văn Trường, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi được nhắc đi nhắc lại triết lý của người thành công, đó là nỗ lực tới cùng ngay cả khi làm điều nhỏ nhất, cảm thấy có gì đó đồng điệu. Và nó cũng là động lực giúp tôi ngồi bật dậy, sáng tạo ra một công thức mới cho Học Viên của mình. Tôi xin được chia sẻ nó ngay bên dưới cho những ai thực sự quan tâm. Nhất là những người mới bắt đầu thực hành sketchnote.

Công thức DOODLE

Học Sketchnote là bạn đang học Doodle (vẽ nguệch ngoạc, tạm dịch là vậy). Ở đây, bạn cũng chớ đánh đồng vẽ nguệch ngoạc với “vẽ tầm bậy” nhé. Sketchnote không hề thuộc trường phái “vẽ tầm bậy”, mà ngược lại, nó là công cụ giúp chúng ta trở nên thông minh hơn trong diễn đạt, giúp người đọc ấn tượng hơn trong trí nhớ. D-O-O-D-L-E cũng chính là 05 thứ mà mỗi người cần thực hiện sau khóa học sketchnote:

D-O-O-D-L-E: CÔNG THỨC THỰC HÀNH SKETCHNOTE

D – Doodle book – Sổ tay doodle

Hãy mua cho mình 1 cuốn sổ vẽ nguệch ngoạc, đi đâu cũng có thể mang theo. Và tại sao bạn không thử doodle tên mình hay vẽ logo cho mình ngay trên trang bìa nhỉ.
Thử ghé thăm tiệm họa cụ nhà Tuốt và chọn cho mình một cuốn doodle book bạn nhé ^^

O – One black pen – Một chiếc bút đen

Một chiếc bút đi nét màu đen là người bạn thân thiết mà mỗi người nên có. Bút màu đen giúp bạn vẽ gì lên giấy trắng nhìn cũng đều “hoạt họa”. Bạn nhớ chọn cây bút chất lượng và đắt tiền chút nhé. Nó sẽ giúp bạn cố gắng để dùng đến cuốn doodle book bên trên.

O – Observe Others – Quan sát người khác

Quan sát người khác. Ngày nay các kênh như Google hình ảnh, Pinterest hay Instagram quả là những công cụ tuyệt diệu cho những người mê hình vẽ mà lại thiếu ý tưởng. Bạn có thể tìm kiếm trên đó. Hay thậm chí, hãy để ý tới các biển hiệu, biển báo, biển quảng cáo ở khắp nơi. Tin tôi đi. Bạn sẽ học được nhiều thứ vô cùng hay ho.
Tham gia ngay Cộng đồng Sketchnote Việt Nam để được tiếp thêm năng lượng trên hành trình chinh phục sketchnote nha bạn.

D – Draw everytime – Vẽ mọi lúc

Sau khi đã có sổ doodle, bút đi nét đắt tiền và quan sát người khác làm, việc bạn sẽ làm tiếp theo là ở đâu cũng vẽ, cái gì cũng vẽ. Chính điều này sẽ giúp bạn tiến bộ vô cùng rõ rệt. Đừng quên subscribe Kênh Youtube của Học Viện Vẽ Tuốt để tham khảo các video hướng dẫn doodle nè.

L- List of key words – Danh sách từ khóa

Sketchnote sẽ chỉ có ý nghĩa khi bạn ứng dụng nó thành công và học tập hay công việc, hay chí ít, nó phải làm bạn thấy vui. Vậy thì hãy tự liệt kê ra cho mình một danh sách từ khóa có ích cho bạn. Ví dụ, bạn là Nhà kinh doanh, vậy thì đừng bỏ qua những từ khóa như “tiền”, “tăng trưởng”, “mục tiêu”, “quảng cáo”, “sản phẩm”,… Và cũng đừng quên là bạn cần viết những từ khóa này vào cuốn doodle book ở bước 1 nha.

E – Export to images – Chuyển thành hình ảnh

Đây mới là lúc bạn cảm nhận rõ nhất niềm sung sướng mà sketchnote mang lại. Ồ, thì ra, từ “tìm kiếm” chỉ cần vẽ một chiếc kính lúp được tạo bởi một hình tròn và một đường thẳng bên dưới. Hay “email” có thể được hiểu qua hình ảnh một chiếc bao thư với hình chữ nhật và 1 tam giác bên trong. Đây là lúc mà đứa trẻ trong bạn bắt đầu được sống là chính nó.

Ngay khi vừa phát minh ra công thức DOODLE này, tôi đã không thể kìm mình lại, mà viết nó ra ngay lập tức. Bởi tôi tin rằng, những điều này sẽ có ý nghĩa với một ai đó. Và với công thức này, hành trình của các bạn sẽ ngắn hơn hành trình tôi đã đi qua. Hay ít nhất, nó sẽ giúp ai đó đỡ loay hoay ở bước đầu.

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết này của tôi. Bạn cũng có thể tìm đọc những bài viết khác của tôi ở đây, tại website của Học Viện Vẽ Tuốt: https://hocvienvetuot.vn/tin-tuc/

Biết ơn và Yêu thương bạn thật nhiều,
– Chung Le (17.01.2021)


Bình luận

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0