Mô hình chiếc ghế – CHAIR MOdel

Bài viết này đặc biệt dành cho các Giáo Viên (Teachers), Giảng Viên (Trainers) và Người điều phối (Facilitators).

Đây là công thức ứng dụng Sketchnote vào các hoạt động của lớp học do tôi tự nghĩ ra. Nó là đúc kết của gần 7 năm làm điều phối cho rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cả cá nhân. Do đây là kiến thức đúc kết từ trải nghiệm của cá nhân nên tôi rất mong các bạn tiếp nhận nó hết sức nhẹ nhàng, ứng dụng thử, biết đâu nó giúp được bạn. Nếu không, thì hẳn bạn cần thực hành và ứng dụng vào chính lĩnh vực mình đang theo đuổi. Tôi chắc chắn là bạn sẽ thấy công cụ Sketchnote sẽ có ích với bất cứ ai.

Bắt đầu từ năm 2014, khi mới bước chân vào nghề Trainer, tôi lạ lẫm khi được học và trực tiếp quan sát các lớp học kỹ năng tại doanh nghiệp.

Lúc đó, lần đầu tiên, các thuật ngữ như “phá băng” (ice breaking), “làm nóng lớp học” (warm up), “hoạt động nhóm” (teamwork), … làm tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng và hay ho. Tới mức, tôi đã ghi chép lại thật cẩn thận từng hoạt động và cả cái cách mà các anh chị Giảng Viên kiểm soát lớp học mà tôi được phép quan sát.

Một điều đặc biệt từ cách ghi chép của mình mà tôi thường được các Anh chị (và cả Học Viên của họ lúc đó) để ý, đó là tôi thường ghi rất ít chữ, tất cả đều là từ khóa (keywords), đi kèm là hình vẽ rất đáng yêu và dễ nhớ.

Sau này, khi đã trở thành một Trainer có chút kinh nghiệm, nắm được tương đối sành sỏi cách mà một lớp học sẽ diễn ra, tôi bắt đầu cảm thấy có chút gì đó chưa ổn. Ấy là lúc tôi bắt đầu đi học thêm để tìm kiếm xem ngoài training, mà theo tôi hiểu và thực hành là cách Giảng Viên truyền tải kiến thức mình biết cho Học Viên, còn có cách học nào khác “dễ chịu” hơn.

Ngay lúc đó (đầu năm 2017), khóa học về Kỹ năng điều phối (Facilitation) xuất hiện. Tôi hồ hởi đăng ký tham gia. Và với tôi lúc đó, Facilitation chính là thế giới mới. Đó là nơi tôi thuộc về.

Khác với lần trước, các thuật ngữ mới như Check in, “kết nối” (Connection), “câu hỏi sức mạnh” (Powerful questions), “không gian mở” (Open Space), World Cafe, coaching … một lần nữa, làm tôi choáng ngợp.

Không lâu sau (cuối năm 2017), cũng nhờ men theo các nhóm học tập về nghề điều phối, tôi tình cờ biết đến Knowmads Hà Nội.

Đây là một tổ chức cộng đồng, ở đó mọi người (mà đa số là người đến từ nhiều quốc gia) chia sẻ tri thức cho nhau dưới dạng workshop. Tôi bị thu hút bởi một workshop với cái tên không thể gây tò mò hơn: “Thiết kế cuộc đời” (Designing your life).

Picture1 1

Và cũng chính từ đây, niềm đam mê với hình vẽ tay của tôi được khơi dậy. Câu chuyện sau đó thì quá dài. Và tôi cũng đã chia sẻ ở nhiều bài viết trên blog của Học Viện Vẽ Tuốt. Nên tôi xin phép nói vắn tắt rằng, chính workshop này đưa tôi trở thành “người điều phối bằng hình vẽ” (Graphic Facilitator).

Kể từ đó, tôi bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu các Ứng dụng của hình vẽ và rộng hơn là các công cụ sử dụng hình vẽ trong Đào tạo. Kết quả chính là mô hình chiếc ghế (CHAIR) mà tôi xin được giải thích cụ thể sau đây.

CHAIR được viết tắt bởi 05 hoạt động xảy ra ở hầu hết các lớp học, mà mỗi hoạt động đều nên được Giảng Viên/Điều phối viên ứng dụng hình ảnh, để giúp lớp học hiệu quả hơn.

C – Checkin (Bắt đầu lớp học)

Một lớp học thành công, theo tôi, là một lớp học được kết nối tất cả các thành viên có mặt. Không riêng gì Học Viên, Giảng Viên, mà ngay cả người trợ giảng cũng là một phần không thể tách rời của lớp học.

Khi chúng ta (người điều phối), hiểu được rằng, mỗi người đang hiện diện ở đó đều có chức năng riêng của mình, tất cả đều quan trọng như nhau. Thì lớp học đó sẽ có một năng lượng vô cùng tích cực và sự kết nối là chìa khóa cho thành công.

Tôi thường vẽ một hình tròn lên khổ giấy lớn, đặt nó ở giữa tâm vòng tròn được tạo thành bởi các thành viên. Chia nhỏ hình tròn ra thành nhiều phần, bằng với số các thành viên đang có mặt. Tên mỗi người được ghi một cách đẹp đẽ và trân trọng ở mỗi ô.

Picture2
Ứng dụng Sketchnote trong hoạt động checkin

Sau đó, tôi thường hỏi mọi người 3 câu hỏi chính, đã được vẽ lên một tờ giấy khác, lúc thì về nghề nghiệp, mong đợi và sở thích của họ. Lúc thì về màu sắc họ thích, điều họ biết ơn và biểu tượng đại diện cho con người họ. Cứ sau mỗi một chia sẻ, thông tin được vẽ lên ô dành cho chính họ.

Bằng cách này, tất cả mọi người đều bước vào lớp học với một cảm giác, mình được trân quý, bình đẳng và tự do.

H – Harvesting (Thu hoạch)

Trong các hội nghị, diễn đàn tham vấn, thông tin và những trải nghiệm từ người tham gia thực sự đáng quý.

Trong Nghị sự về vấn đề Biến đổi khí hậu ở Việt Nam năm 2020 mà tôi và nhóm của mình may mắn được tham gia với vai trò là người thu hoạch, công việc chính của chúng tôi là lắng nghe ý kiến chia sẻ của chuyên gia và các bạn trẻ, về các giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu.

Sau đó, bằng khả năng chuyển đổi thông điệp bằng chữ và ngôn từ sang hình vẽ, chúng tôi minh họa lại chúng lên giấy A1. Các bức vẽ sau khi hoàn thành sẽ được dán lên tường. Sự tò mò của mọi người trong khán phòng, và niềm thích thú của họ khi thấy ý kiến của mình được vẽ lên giấy đầy trịnh trọng, khiến chúng tôi vô cùng tự hào. Mỗi người chúng tôi đều cảm thấy việc mình đang làm thực sự ý nghĩa.

Picture3
Các bản thu hoạch trong chương trình Nghị sự về vấn đề Biến đổi khí hậu ở Việt Nam 2020

A – Agenda (Lịch trình khóa học)

Công việc soạn bài là việc mà bất cứ Giáo viên, Giảng viên hay người điều phối nào đều không nên bỏ qua. Việc soạn ra một lịch trình phù hợp và trọn vẹn rất quan trọng, nó giúp cho mục tiêu khóa học đạt được một cách đầy đủ. Nó cho phép người điều phối đảm bảo về mặt thời lượng và nội dung. Nó cũng cho phép người học theo dõi và ôn tập dễ dàng hơn.

Trong tất cả các lớp học, tôi đều vẽ trước Agenda của lớp học đó. Và thay vì trình chiếu slide, tôi mang bức vẽ (tôi hay gọi là Graphic Agenda) đến lớp học. Sau khi thuyết trình nó cho Học Viên, tôi thường nhờ trợ giảng dán lên tường, gần cửa ra vào. Như vậy, những Học Viên vào sau, hay sau mỗi lần nghỉ, Học Viên của tôi dễ dàng “hòa nhập” với lớp học hơn.

Picture4
Agenda lớp học Sketchnote In Meeting

I – Instruction (Hướng dẫn hoạt động)

Với tôi, bài học mà tôi cảm nhận được rõ nhất sau nhiều năm đi training, chỉ đứng sau việc kết nối lớp học (connection), chính là việc hướng dẫn hoạt động và trò chơi trong lớp.

Thời gian mới vào nghề, không ít lần tôi thất bại khi tổ chức hoạt động hay trò chơi cho Học Viên.

Tác dụng của hoạt động thường rất rõ ràng, vì tôi đã được chứng kiến các trainer khác làm trước đó, hoặc tôi đã được đọc rất kỹ ở các tài liệu và video.

Những tưởng khi mình là người trực tiếp hướng dẫn, Học Viên của mình cũng sẽ thực hiện đúng như kế hoạch hoặc họ cũng sẽ cảm thấy hào hứng và nhiệt tình như mình nghĩ. Nhưng thực tế là không, nguyên nhân do tôi không hướng dẫn hiệu quả.

Sau này, tôi thử sử dụng hình vẽ để giải thích về luật chơi, cách tính điểm, những chỗ cần Học Viên lưu ý kỹ khi thực hiện, kết quả là tôi thành công. Và điểm ấn tượng nhất là không một Học Viên nào lơ là phần thuyết minh về trò chơi. Tất cả là do nó được thể hiện bằng Hình vẽ.

R – Reflection (Bài học)

Sau mỗi hoạt động, để đánh giá hiệu quả của phần điều phối trước đó, người điều phối bao giờ cũng hỏi Học Viên về bài học họ rút ra.

Để làm điều này hiệu quả, ngoài việc đặt câu hỏi đúng, tôi cũng hay khéo léo nhắn nhủ Học Viên về cách thức chia sẻ bài học của mình. Ví dụ như:

  • Các bạn có tối đa 1 phút cho lượt của mình!
  • Các bạn hãy mô tả nó bằng một tính từ và giải thích ngắn gọn!
  • Khi nhận xét, các bạn lưu ý đưa ra ví dụ cụ thể …

Những lúc cần nhắc nhở tế nhị đối với Học Viên, nếu điều phối không khéo, bạn sẽ nhận được phản ứng không mấy tích cực. Thậm chí, phần ý nghĩa nhất là phần chia sẻ bài học, lại trở thành phần thất bại nhất, do người ta không muốn chia sẻ.

Cách mà tôi làm, đó là thuần túy đưa ra câu hỏi và lưu ý bằng lời nói. Tôi vẽ ra một bức tranh, trong đó câu hỏi được viết nổi bật và bắt mắt ở giữa. Xung quanh câu hỏi, tôi vẽ các biểu tượng về thời gian hoặc một vài biểu tượng ngụ ý nhắc Học Viên chia sẻ ngắn gọn, tập trung vào mục tiêu, không chia sẻ lan man.

Khi Học Viên chia sẻ, tôi thường ghi chú lại tất cả bài học lên các tờ giấy nhớ (Post it notes) và trân trọng dán lên bức vẽ. Thỉnh thoảng, tôi cũng mời Học Viên tự vẽ bài học của mình lên các tờ giấy nhỏ và cho phép họ sáng tạo cách trình bày mà họ muốn.

Picture5

Với cách làm này, Học Viên tham gia trọn vẹn vào từng phần của lớp học. Và cứ như vậy, mọi thứ diễn ra trong lớp, khiến cho cả người điều phối và người tham gia, đều cảm giác nhẹ nhàng, tự do và kết nối hơn rất nhiều.

Mô hình CHAIR đã được tôi giới thiệu ở một vài khóa học dành cho Chuyên gia trong lĩnh vực Học tập và Phát triển tại Hà Nội. Nó cũng được chia sẻ ở một khóa học dành cho Quản lý đào tạo của Tập đoàn FLC. Và phản hồi tôi nhận được sau đó, là Học Viên đều ấn tượng cũng như thấy mô hình này hữu ích cho công việc của họ. Với tôi, thì những nhận xét như vậy còn hơn cả những món quà bằng hiện vật. Nó giúp tôi có thêm cảm hứng để thiết kế thêm nhiều mô hình. Và thêm động lực để đi chia sẻ về những ứng dụng của hình vẽ trong đời sống.

Cám ơn bạn đã đọc hết bài viết này. Mong nhận được những lời góp ý của bạn và được lắng nghe những quan điểm của bạn ở các bài viết sau của tôi.

Yêu thương rất nhiều,

Chung Le

TP. Hồ Chí Minh ngày 24/01/2021


Bình luận

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0